Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quyền và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
2. Quy định này không quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Chất thải nguy hại được quản lý theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu và Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc sệt (còn gọi là bùn thải) được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác.
2. Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người. Sau đây viết tắt là chất thải rắn sinh hoạt.
3. Chất thải rắn công nghiệp là chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
4. Chất thải rắn cồng kềnh là chất thải rắn có kích thước lớn như vật dụng từ gia đình (tủ, giường, nệm, bàn, ghế salon, tranh,…), gốc cây, thân cây và nhánh cây.
Chất thải rắn cồng kềnh được quản lý như chất thải rắn sinh hoạt.
5. Chất thải rắn xây dựng là chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng (kể cá cải tạo, phá dỡ công trình).
6. Chất thải rắn đường phố là chất thải rắn tồn tại trên đường phố, vỉa hè, nơi công cộng.
7. Phân định chất thải là quá trình phân biệt một vật chất là chất thải hay không phải là chất thải, chất thải nguy hại hay chất thải thông thường và xác định chất thải đó thuộc một loại hoặc một nhóm chất thải nhất định với mục đích để phân loại và quản lý trên thực tế.
8. Phân loại chất thải là hoạt động phân tách chất thải (đã được phân định) trên thực tế nhằm chia thành các loại hoặc nhóm chất thải để có các quy trình quản lý khác nhau.
9. Thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là quá trình thu gom và chuyên chở chất thải rắn sinh hoạt từ các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải, nơi công cộng đến các điểm hẹn hoặc trạm trung chuyển.
10. Vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt là quá trình thu gom và chuyên chở chất thải rắn sinh hoạt từ các điểm hẹn hoặc trạm trung chuyển đến nơi xử lý, tái chế, tái sử dụng hoặc bãi chôn lấp cuối cùng.
11. Tái sử dụng chất thải là việc sử dụng lại chất thải một cách trực tiếp hoặc sau khi sơ chế mà không làm thay đổi tính chất của chất thải.
12. Tái chế chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có giá trị từ chất thải.
13. Thu hồi năng lượng từ chất thải là quá trình thu lại năng lượng từ việc chuyển hóa chất thải.
14. Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải.
15. Chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh là hoạt động chôn lấp phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn nước thải công nghiệp kỹ thuật về bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh.
16. Điểm hẹn là điểm tập kết tạm thời các loại phương tiện sau khi thu gom tại hộ gia đình, chủ nguồn thải, từ công tác quét dọn vệ sinh đường phố để chuyển chất thải rắn sang xe cơ giới chuyên dùng có tải trọng lớn. Các điểm hẹn bao gồm điểm tập kết trên đường hoặc các điểm tập kết tại các chủ nguồn thải lớn (chợ, chung cư, công viên).
17. Trạm trung chuyển là nơi tập kết và lưu trữ chất thải rắn sinh hoạt tạm thời để trung chuyển lên xe và vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn tập trung.
18. Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt (hoặc gọi là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn) là nơi được thành phố quy hoạch để tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố.
19. Cơ sở phát sinh chất thải là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải.
20. Chủ nguồn thải là các tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở phát sinh chất thải.
21. Chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt là tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải, nơi công cộng đến các điểm hẹn hoặc các trạm trung chuyển.
22. Chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt có tư cách pháp nhân là chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt hoạt động với hình thức hợp tác xã hoặc doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp (trừ loại hình Hộ kinh doanh cá thể).
23. Chủ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt là tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm hẹn hoặc trạm trung chuyển đến cơ sở xử lý chất thải công nghiệp.
24. Chủ xử lý chất thải là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở xử lý chất thải.
25. Khu công nghiệp là tên gọi chung cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp.
26. Cơ sở xử lý chất thải là cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải (kể cả hoạt động tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải).
27. Nước rác là nước sinh ra từ độ ẩm của chất thải rắn từ quá trình phân hủy sinh học các chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học và lượng nước từ bên ngoài xâm nhập vào chất thải rắn sinh hoạt trong quá trình lưu chứa vận chuyển (nếu có).
28. Giá dịch vụ là số tiền mà bên được cung ứng dịch vụ chi trả cho bên cung ứng dịch vụ. Điều 4. Nguyên tắc chung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt Theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ về về quản lý chất thải và phế liệu.
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Chương II
QUẢN LÝ CUNG ỨNG DỊCH VỤ THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT
Điều 5. Quy định về phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
1. Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm như sau:
a) Nhóm hữu cơ dễ phân hủy sinh học như thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật.
b) Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh;
c) Nhóm còn lại.
2. Tùy đặc điểm tình hình địa phương, Ủy ban nhân dân quận/huyện có thể quy định gom chung nhóm mục 1b và 1c thành một loại.
3. chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải.
4. Bao bì (túi), thiết bị lưu giữ (thùng) chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước rác và có kích thước phù hợp với lượng chất thải lưu giữ.
- Bao bì (túi) phải được buộc kín, thiết bị lưu giữ (thùng) phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 6. Quy định về quản lý cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
1. Nguyên tắc chung
a) Hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải tuân thủ quy định về Quy trình kỹ thuật thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành và các quy định cụ thể của thành phố về phân loại chất thải rắn tại nguồn.
b) Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn lập danh sách thống kê số lượng các hộ gia đình, chủ nguồn thải và các chủ thu gom tại nguồn cung ứng dịch vụ trên địa bàn để làm cơ sở quản lý. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn biểu mẫu thống kê chung trên toàn thành phố.
c) Quản lý cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn dựa trên hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, được ký kết giữa các bên như sau:
- Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn ký hợp đồng với chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt để cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho các đối tượng cá nhân, hộ gia đình thuộc phạm vi quản lý. Mẫu hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
- Các đối tượng chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt trực tiếp ký hợp đồng với chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (khuyến khích sử dụng mẫu hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành). Khuyến khích chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt ký hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt có tư cách pháp nhân.
d) Thời hạn hợp đồng quy định như sau: Đối với hợp đồng được ký với chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt có tư cách pháp nhân thì thời hạn hợp đồng là 03 năm. Đối với hợp đồng được ký với chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt không có tư cách pháp nhân thì thời hạn hợp đồng là 01 năm.
đ) Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải phải chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định. Trường hợp cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt mà tự thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến các điểm hẹn, trạm trung chuyển hoặc cơ sở xử lý chất thải thì cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải phải đăng ký với Ủy ban nhân dân
phường/xã/thị trấn bằng việc thực hiện Bản cam kết tự thải bỏ chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định.
e) Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt phải trả giá dịch vụ thu gom tại nguồn theo quy định. Việc tổ chức thực hiện thu giá dịch vụ thu gom tại nguồn được quy định tại Điều 9 của Quy định này.
g) Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn là cơ quan trực tiếp xem xét, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt liên quan đến việc cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
h) Tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải được tổ chức, sắp xếp lại dựa trên nguyên tắc tối ưu cự ly và khối lượng thu gom, khép kín trên địa bàn khu phố tuyến đường của phường, không để tình trạng một chủ thu gom thu gom rời rạc, đứt quãng trên nhiều địa bàn khác nhau, nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu nhập của chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
i) Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động của các chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt có tư cách pháp nhân, trong đó ưu tiên hỗ trợ các chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát triển lên loại hình doanh nghiệp (trừ loại hình Hộ kinh doanh cá thể).
k) Kể từ ngày 01/01/2019, chỉ các chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt có tư cách pháp nhân được ký hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
l) Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp thải bỏ chất thải rắn sinh hoạt không đúng nơi quy định, không ký hợp đồng cung ứng thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định. m) Tăng cường xử lý vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để chấn chỉnh hoạt động của các chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
n) Những khu vực có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt không đúng nơi quy định (bao gồm cả chất thải rắn cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt có trộn lẫn chất thải rắn xây dựng) tồn lưu nhiều ngày gây ô nhiễm môi trường hoặc mất mỹ quan đô thị thì quản lý như sau:
- Đối với khu vực thuộc sở hữu đất của cá nhân, tổ chức: cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm thu gom và phun xịt khử mùi (nếu cần) trong vòng 24 giờ sau khi có phản ánh hoặc yêu cầu của chính quyền địa phương. Quá thời hạn trên, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
- Đối với khu vực thuộc sở hữu đất của nhà nước: Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn chủ động phối hợp với chủ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trúng thầu cung ứng dịch vụ trên địa bàn quận/huyện tổ chức thu gom và phun xịt khử mùi (nếu cần). Nội dung công việc này là một phần trong nội dung đặt hàng, đấu thầu cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận/huyện.
2. Quy định kỹ thuật về thu gom tại nguồn
a) Phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
- Các phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (thủ công và cơ giới) phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường (kín, không rò rỉ nước rác, có nắp đậy hoặc bạt phủ kín hạn chế phát tán mùi) và đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của luật giao thông đường bộ Việt Nam.
- Xung quanh phương tiện phải được sơn hoặc dán đề can phản quang (đối với phương tiện thực hiện vào ban đêm), ghi tên đơn vị chủ quản và trang bị đèn cảnh báo vào ban đêm.
- Quy cách kỹ thuật, thời gian áp dụng phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố và phục vụ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do Ủy ban nhân dân thành phố quy định.
b) Thời gian, phương thức chuyển giao và thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
- Thời gian chuyển giao và thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải đảm bảo kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom tại nguồn với công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và đảm bảo vệ sinh, mỹ quan đô thị.
- Phương thức chuyển giao và thu gom chất thải rắn sinh hoạt đối với các hộ gia đình, chủ nguồn thải mặt tiền đường: hộ gia đình, chủ nguồn thải phải chuyển giao trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt cho chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo thời gian quy định, nghiêm cấm thực hiện phương thức để sẵn các loại thiết bị lưu chứa chất thải trước nhà để chờ chủ thu gom đến lấy. Chủ thu gom sử dụng loa, chuông thông báo khi đến lấy chất thải rắn sinh hoạt.
- Phương thức chuyển giao và thu gom chất thải rắn sinh hoạt đối với các hộ gia đình, chủ nguồn thải trong hẻm: hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt có thể chuyển giao trực tiếp hoặc để sẵn các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt trước nhà chờ chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đến lấy trong khoảng thời gian quy định (khuyến khích thực hiện phương thức chuyển giao trực tiếp). Chủ thu gom sử dụng loa, chuông thông báo khi đến lấy chất thải rắn sinh hoạt.
- Trường hợp hộ gia đình, chủ nguồn thải không có điều kiện chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo đúng thời gian quy định thì tổ trưởng khu phố chủ trì lập danh sách, báo cáo Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn giải quyết. Trường hợp danh sách có từ 10 đối tượng trở lên thì Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn xác định thời gian chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt, vị trí đặt thùng 240 lít để lưu chứa và thu gom tập trung chất thải của các hộ gia đình, chủ nguồn thải này. Các hộ gia đình và chủ nguồn thải phải trả mức giá dịch vụ tương tự các đối tượng theo quy định của nhà nước để được cung ứng dịch vụ này.
Các vị trí đặt thùng 240 lít được xem như điểm hẹn tập kết chất thải rắn sinh hoạt được đưa vào nội dung đặt hàng, đấu thầu cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận/huyện. Trường hợp danh sách có dưới 10 đối tượng thì hộ gia đình, chủ nguồn thải phải tự đem chất thải đến điểm hẹn hoặc trạm trung chuyển để chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện chứng từ chuyển giao chất thải do chủ vận chuyển hoặc đơn vị quản lý trạm trung chuyển xác nhận.
- Tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực dân cư, Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn chủ trì, phối hợp với chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt và đại diện của các hộ gia đình, chủ nguồn thải (tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng khu phố, ban quản lý chung cư) xác định thời gian và phương thức chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với hiện trạng và quy định của nhà nước.
- Đối với chất thải rắn cồng kềnh, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải tự thỏa thuận với chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt để yêu cầu dịch vụ hoặc chuyển giao theo chương trình thu gom chất thải rắn cồng kềnh định kỳ 01 tháng/lần do Ủy ban nhân dân quận/huyện tổ chức thực hiện. Chương trình thu gom chất thải rắn cồng kềnh do Ủy ban nhân dân quận/huyện tổ chức là một phần trong nội dung đặt hàng, đấu thầu cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận/huyện. Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải phải trả giá dịch vụ này theo thỏa thuận.
c) Tần suất thu gom tại nguồn
- Đối với khu vực đông dân cư và trong khu công nghiệp, khu chế xuất, tần suất thu gom tối thiểu là 1 ngày/lần. Đối với khu vực dân cư thưa thớt, tần suất thu gom tối thiểu 1-2 ngày/lần. Tùy vào đặc điểm dân cư từng khu vực, điều kiện cung ứng dịch vụ thực tế và ý kiến của người dân, Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn quy định tần suất thu gom phù hợp. Chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt có thể thỏa thuận tăng tần suất thu gom và trả thêm chi phí cho dịch vụ này. Thỏa thuận này được thống nhất trong hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn giữa các bên.
3. Quy định về kiểm tra, giám sát, xử phạt, nghiệm thu và thanh toán cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn
a) Đối với hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do Ủy ban nhân dân quận/huyện ký kết với chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt
- Cá nhân, hộ gia đình căn cứ hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn để đánh giá việc cung ứng dịch vụ của chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Nếu quá trình cung ứng dịch vụ của chủ thu gom tại nguồn không đúng thời gian, tần suất, không đạt yêu cầu về chất lượng vệ sinh như thỏa thuận trong hợp đồng thì cá nhân, hộ gia đình phản ánh cho tổ trưởng tổ dân phố tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn kịp thời nhắc nhở chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (bằng văn bản hoặc biên bản họp) chấn chỉnh công tác này và xử lý vi phạm hợp đồng.
- Trường hợp có trên 20% cá nhân, hộ gia đình trong đường dây thu gom phản ánh chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ và Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn đã nhắc nhở hơn 01 lần/tháng bằng văn bản hoặc biên bản họp thì Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn tổ chức lấy ý kiến của tập thể các cá nhân, hộ gia đình mà chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt này đang cung ứng dịch vụ để làm cơ sở thay đổi chủ thu gom. Phương án chọn lựa sẽ theo ý kiến của đa số cá nhân, hộ gia đình.
- Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn căn cứ hợp đồng đã ký kết, căn cứ Quy trình kỹ thuật thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành, căn cứ các kết quả xử lý vi phạm, định kỳ hàng quý tiến hành tổ chức nghiệm thu chất lượng cung ứng dịch vụ của các chủ thu gom.
- Chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nhắc nhở các cá nhân, hộ gia đình không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt đúng thời gian và phương thức quy định. Nếu cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải vi phạm hơn 03 lần/tháng thì chủ thu gom phản ánh Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn để xử lý vi phạm hợp đồng.
b) Đối với hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do chủ nguồn thải trực tiếp ký kết với chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt
- Chủ nguồn thải căn cứ hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn để đánh giá việc cung ứng dịch vụ của chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
- Việc xử lý vi phạm hợp đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
c) Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải và chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt vi phạm các vấn đề liên quan đến quy định này thì bị xử phạt theo các quy định hiện hành.
Điều 7. Quy định về quản lý cung ứng dịch vụ vận chuyển, trung
chuyển
1. Nguyên tắc chung
a) Việc cung ứng dịch vụ vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải tuân thủ quy định Quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, vận hành trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành.
b) Quản lý cung ứng dịch vụ vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt bao gồm các nội dung công việc sau:
- Quản lý công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các điểm hẹn về trạm trung chuyển, từ các điểm hẹn về cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, từ trạm trung chuyển về cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
- Quản lý việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến các điểm hẹn, trạm trung chuyển của các chủ thu gom theo sự điều phối của Ủy ban nhân dân quận/huyện.
- Tổ chức xây dựng và ban hành lộ trình vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở đặt hàng, đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ theo quy định. - Tổ chức thực hiện đặt hàng, đấu thầu chọn đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển theo quy định hiện hành.
- Quản lý công tác cung ứng dịch vụ vận hành trạm trung chuyển.
c) Quản lý dịch vụ vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt dựa trên hợp đồng cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, được ký kết giữa các bên như sau:
- Cho đến khi Ủy ban nhân dân thành phố triển khai Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường thì Ủy ban nhân dân quận/huyện được Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền ký hợp đồng với chủ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để cung ứng dịch vụ vận chuyển, trung chuyển cho các đối tượng cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt. Mẫu hợp đồng cung ứng dịch vụ vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
- Chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt có thể trực tiếp ký hợp đồng cung ứng dịch vụ vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt với đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tuy nhiên chủ nguồn thải phải thanh toán toàn bộ (đúng và đủ) chi phí vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
d) Thời hạn hợp đồng do Ủy ban nhân dân thành phố quy định.
đ) Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt phải trả giá dịch vụ vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Việc tổ chức thực hiện thu giá dịch vụ vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt được quy định tại Điều 9 của Quy định này.
e) Đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển, trung chuyển chỉ được phép vận chuyển và tiếp nhận các loại chất thải do cơ quan có thẩm quyền quy định.
2. Quy định kỹ thuật về điểm hẹn
a) Vị trí được lựa chọn làm điểm hẹn phải hạn chế ảnh hưởng đến giao thông, môi trường xung quanh và phải cách xa nơi kinh doanh thực phẩm, cổng bệnh viện, trường học, các khu vực ngoại giao, cơ quan hành chính, các điểm giao lộ.
b) Tùy đặc điểm tình hình địa phương, Ủy ban nhân dân quận/huyện quy định thời gian tập kết chất thải rắn sinh hoạt, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại điểm hẹn phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông, chất lượng vệ sinh môi trường, kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom tại nguồn, vận chuyển và xử lý, hạn chế tối đa hoạt động vào giờ cao điểm.
c) Điểm hẹn phải được vệ sinh và đảm bảo chất lượng vệ sinh theo quy định Quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, vận hành trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành.
d) Chủ vận chuyển phải kiểm soát và ghi nhận thông tin của toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận tại điểm hẹn (tên đối tượng chuyển giao chất thải, thời gian, nguồn gốc, khối lượng ước tính, loại chất thải tiếp nhận) vào sổ nhật ký công tác.
đ) Chủ vận chuyển xác nhận chứng từ chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt đối với trường hợp cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải tự chuyển giao chất thải đến điểm hẹn.
3. Quy định kỹ thuật về trạm trung chuyển
a) Việc xây dựng trạm trung chuyển phải theo quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển của thành phố được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
b) Đối với các trạm trung chuyển có quy mô, công suất nhỏ, chỉ phục vụ cho nhu cầu trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên 01 địa bàn quận/huyện thì Ủy ban nhân dân quận/huyện tham mưu về sự cần thiết, vị trí, công suất, công nghệ xây dựng trạm trung chuyển trình Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng và vận hành.
c) Đối với các trạm trung chuyển có quy mô, công suất lớn, phục vụ cho nhu cầu trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt liên quận/huyện thì Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu về sự cần thiết, vị trí, công suất, công nghệ xây dựng trạm trung chuyển trình Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng và vận hành. Việc điều phối khối lượng chất thải rắn sinh hoạt về các trạm trung chuyển này do Sở Tài nguyên và Môi trường quy định.
d) Việc thiết kế xây dựng trạm trung chuyển phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hạ tầng kỹ thuật, môi trường (tiếng ồn, nước, không khí…).
đ) Trạm trung chuyển phải có khu vực lưu chứa chất thải phân loại tại nguồn, chất thải cồng kềnh, có thể tích lớn và các trang thiết bị của ngành (xe vận chuyển, thùng thu gom rác).
e) Trạm trung chuyển phải có nhân viên điều hành và phải được trang bị:
- Thiết bị xác định khối lượng, camera giám sát, thiết bị báo động
- Biển báo khu vực giao thông, khu vực đậu chờ, phân luồng giao thông
- Bảng hướng dẫn vận hành, an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe
- Sơ đồ, kí hiệu hướng dẫn thoát hiểm
g) Đơn vị quản lý và vận hành trạm trung chuyển phải lưu giữ và cung cấp các thông tin dữ liệu của thiết bị xác định khối lượng và camera giám sát cho Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân quận/huyện.
h) Tùy đặc điểm tình hình địa phương, Ủy ban nhân dân quận/huyện quy định thời gian hoạt động của trạm trung chuyển đảm bảo kết nối hiệu quả thời gian thu gom tại nguồn, vận chuyển và xử lý, đảm bảo tuân thủ quy định về tiêu chuẩn tiếng ồn cũng như giới hạn tối đa cho phép tiếng ồn khu vực công cộng và dân cư hiện hành.
i) Thực hiện thu giá dịch vụ đối với các cá nhân, hộ gia đình và chủ nguồn thải vận chuyển trực tiếp đến trạm trung chuyển theo quy định của nhà nước.
k) Đơn vị quản lý và vận hành trạm trung chuyển phải thực hiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
l) Đến 2018, các trạm trung chuyển phải đảm bảo các quy chuẩn hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo các quy định của pháp luật. m) Trạm trung chuyển phải được vận hành và kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh môi trường theo quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường.
n) Chất thải rắn tiếp nhận tại trạm trung chuyển phải được kiểm soát chặt chẽ. Khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, trạm trung chuyển không được phép tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh thành khác, không được tiếp nhận chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn y tế. Nếu tiếp nhận các loại chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn sinh hoạt có lẫn chất thải nguy hại thì đơn vị quản lý trạm trung chuyển bị xử phạt theo các quy định hiện hành về quản lý chất thải nguy hại và chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ các chi phí liên quan đến việc vận chuyển và xử lý toàn bộ khối lượng chất thải này đến các đơn vị đã được cấp phép bởi các cơ quan chức năng. Nếu tiếp nhận chất thải rắn được vận chuyển từ các tỉnh thành phố khác thì bị cắt trừ khối lượng vận chuyển đó từ trạm trung chuyển đến nơi xử lý và bị xử phạt hợp đồng cung ứng dịch vụ.
o) Đơn vị quản lý trạm trung chuyển phải kiểm soát được toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận tại trạm và ghi nhận tên chủ thu gom, chủ vận chuyển chuyển giao chất thải, thời gian, nguồn gốc, khối lượng, loại chất thải tiếp nhận vào sổ nhật ký công tác. Đối với trạm trung chuyển phục vụ trên 01 địa bàn quận/huyện, hàng tháng, đơn vị quản lý trạm trung chuyển phải báo cáo toàn bộ nội dung nhật ký công tác cho Ủy ban nhân dân quận/huyện. Đối với trạm trung chuyển phục vụ liên địa bàn quận/huyện, hàng tháng, đơn vị quản lý trạm trung chuyển phải báo cáo toàn bộ nội dung nhật ký công tác cho Sở Tài nguyên và Môi trường.
4. Quy định kỹ thuật về công tác vận chuyển, trung chuyển
a) Phải đảm bảo tuân thủ các quy định nhà nước về giao thông đường bộ.
b) Phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật và chất lượng vệ sinh theo quy trình vận hành kỹ thuật thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành.
c) Phải đảm bảo vận chuyển đầy đủ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt về các khu xử lý theo kế hoạch phân bổ khối lượng về các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Sở Tài nguyên và Môi trường.
d) Phải đảm bảo tuân thủ lộ trình thu gom vận chuyển do cơ quan có thẩm quyền ban hành đối với các dịch vụ do nhà nước đặt hàng.
đ) Phải đảm bảo tuân thủ công tác vận chuyển riêng biệt các loại chất thải đã được hộ gia đình, chủ nguồn thải phân loại tại nguồn khi cơ quan có thẩm quyền ban hành chủ trương thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn.
e) Phải đảm bảo tuân thủ thời gian tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm hẹn.
g) Phải đảm bảo kết nối hiệu quả thời gian hoạt động của các điểm hẹn và thời gian hoạt động của các chủ thu gom, chủ vận chuyển trên nguyên tắc hạn chế tối đa việc lưu thông vào giờ cao điểm.
h) Không được phép vận chuyển chất thải nguy hại và chỉ được phép vận chuyển chất thải rắn công nghiệp theo tỷ lệ cho phép do Sở Tài nguyên và Môi trường quy định. Trong trường hợp phương tiện vận chuyển vượt quá tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp cho phép, chủ vận chuyển sẽ bị xử phạt theo hợp đồng cung ứng dịch vụ hoặc phải trả chi phí vận chuyển, xử lý đối với toàn bộ khối lượng chất thải rắn vận chuyển trên phương tiện cho cơ quan chức năng được thành phố ủy quyền thu chi phí này.
i) Chủ vận chuyển hoặc đơn vị quản lý trạm trung chuyển phải ghi nhận thời gian chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt của chủ thu gom tại các điểm hẹn, trạm trung chuyển vào sổ nhật ký tiếp nhận.
k) Trong quá trình tác nghiệp tại các điểm hẹn, chủ vận chuyển phải tuân thủ luật giao thông, đặt các biển cảnh báo giao thông, đảm bảo an toàn giao thông và hoạt động theo đúng thời gian, quy trình vận hành kỹ thuật thu gom, vận chuyển do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành. Sau quá trình tác nghiệp phải vệ sinh rửa điểm hẹn, đảm bảo không còn chất thải rắn rơi vãi, nước rỉ rác tồn đọng tại
điểm hẹn.
l) Phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển (kín, không rò rỉ nước rác, miệng nắp đậy phải được phun xịt khử mùi sau khi tiếp nhận). Phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trước khi ra khỏi trạm trung chuyển và các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải được vệ sinh sạch sẽ. m) Phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được kết nối mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển.
n) Sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố và phục vụ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tuân thủ quy cách kỹ thuật, thời gian áp dụng do Ủy ban nhân dân thành phố quy định.
o) Xây dựng hệ thống phương tiện vận chuyển phải đảm bảo số lượng, đáp ứng yêu cầu về tải trọng và kỹ thuật để phục vụ cho công tác thu gom vận chuyển hiệu quả, kịp thời, nhanh chóng và không tập trung quá nhiều xe vận chuyển tại một điểm và để xe đẩy tay phải di chuyển khoảng cách quá xa (hơn 01 km).
5. Nguyên tắc xây dựng lộ trình, cự ly bình quân thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
a) Lộ trình vận chuyển phải tuân thủ các quy định của các cơ quan chức năng về giao thông tại khu vực (thời gian lưu thông, tải trọng của cầu, đường, đường cấm, đường một chiều,…) và phải đảm bảo tối ưu về cự ly vận chuyển và 16 tình hình giao thông tại khu vực. Việc thực hiện tính toán cự ly bình quân phải theo quy định của cơ quan có thẩm quyền ban hành.
b) Xây dựng lộ trình theo nguyên tắc hạn chế vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt về trạm trung chuyển và ưu tiên sử dụng các phương tiện có tải trọng (từ 7 tấn) để thực hiện lộ trình thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các điểm hẹn hoặc từ trạm trung chuyển để vận chuyển thẳng về các cơ sở xử lý theo sự điều phối khối lượng vận chuyển của Sở Tài nguyên và Môi trường.
c) Lộ trình phải thể hiện đầy đủ các thông tin theo mẫu do Sở Tài nguyên và Môi trường quy định.
d) Thời gian hoạt động và khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm hẹn, trạm trung chuyển phải được Ủy ban nhân dân quận huyện để làm cơ sở xây dựng lộ trình. đ) Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh thay đổi lộ trình, chủ vận chuyển phải báo cáo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt lộ trình theo phân cấp quản lý để điều chỉnh lộ trình làm cơ sở triển khai thực hiện.
g) Trong trường hợp lộ trình xây dựng không tuân thủ theo nguyên tắc tối nưu về cự ly vận chuyển thì phải có đầy đủ cơ sở pháp lý cho các trường hợp này.
6. Quy định về kiểm tra, giám sát, xử phạt, nghiệm thu và thanh toán cung ứng dịch vụ vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt
a) Căn cứ quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, vận hành trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành, Ủy ban nhân dân quận/huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát để làm cơ sở đánh giá chất lượng dịch vụ, nghiệm thu, thanh toán sản phẩm, dịch vụ.
b) Tần suất thực hiện kiểm tra, giám sát: hàng ngày
c) Phương thức kiểm tra, giám sát:
- Tổ chức lực lượng thực hiện kiểm tra, giám sát trực tiếp để đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ bằng phương thức trực quan, hình ảnh và thăm dò ý kiến người dân xung quanh về chất lượng dịch vụ bằng phiếu khảo sát. Kết quả kiểm tra, giám sát được xác nhận cụ thể bằng biên bản.
- Trong quá trình kiểm tra giám sát cung ứng dịch vụ, nếu phát hiện các vấn đề gây ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường liên quan đến quá trình cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, lực lượng giám sát tiến hành lập biên bản và báo cáo cho các đơn vị có thẩm quyền để giải quyết.
- Ưu tiên sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho công tác kiểm tra, giám sát.
d) Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các mức phạt đối với các vi phạm để làm cơ sở xử lý vi phạm hợp đồng trong quá trình cung ứng dịch vụ. Tùy theo tình hình địa phương, Ủy ban nhân dân quận/huyện tăng mức phạt cho phù hợp.
đ) Các nội dung về kiểm tra, giám sát, xử phạt, nghiệm thu và thanh toán cung ứng dịch vụ vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải được cụ thể trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng cung ứng dịch vụ để làm cơ sở thực hiện.
e) Căn cứ hợp đồng cung ứng dịch vụ vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt với đơn vị cung ứng dịch vụ, căn cứ các biên bản kiểm tra, giám sát để xử phạt vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ.
g) Hàng tháng, căn cứ biên bản xác nhận khối lượng và chất lượng dịch vụ, biên bản xử phạt (nếu có) và các văn bản pháp luật hiện hành, Ủy ban nhân dân quận/huyện thực hiện nghiệm thu nghiệm thu khối lượng, chất lượng dịch vụ cho chủ vận chuyển.
h) Căn cứ đơn giá dịch vụ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng cung ứng dịch vụ, biên bản nghiệm thu khối lượng, chất lượng dịch vụ, Ủy ban nhân dân quận/huyện tiến hành thủ tục thanh toán cho đơn vị cung ứng dịch vụ.
i) Quy trình, thủ tục nghiệm thu thanh toán được thực hiện theo quy định hiện hành và do Ủy ban nhân dân quận/huyện hướng dẫn.
Điều 8. Quy định về quản lý cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Nguyên tắc chung
a) Việc cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo chất lượng vệ sinh và tuân thủ các quy định về kiểm tra, giám sát, nghiệm thu và thanh toán các hoạt động cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành.
b) Quản lý cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan và hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được ký kết giữa các bên như sau:
- Cho đến khi Ủy ban nhân dân thành phố triển khai Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường thì Sở Tài nguyên và Môi trường được Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền ký hợp đồng với chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt để cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các đối tượng cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt. Mẫu hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
- Chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt có thể trực tiếp ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt với chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tuy nhiên chủ nguồn thải phải thanh toán toàn bộ (đúng và đủ) chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
c) Thời hạn hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Ủy ban nhân dân thành phố quy định. Nội dung hợp đồng phải được Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chấp thuận.
d) Cá nhân, hộ gia đình được nhà nước bù đắp chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt phải thanh toán toàn bộ (đúng và đủ) chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Việc tổ chức thu giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định tại Điều
9 của Quy định này.
đ) Việc lựa chọn chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải tuân thủ theo các quy định hiện hành về đầu tư, xây dựng và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích.
2. Quy định kỹ thuật công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt
a) Chỉ được áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định hiện hành và các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được các đơn vị chức năng thẩm định theo quy định.
b) Việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các tiêu chí theo các quy định hiện hành và phù hợp với điều kiện của địa phương.
c) Khi thay đổi quy trình vận hành và công nghệ nhằm tối ưu hóa công nghệ xử lý, chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải thông báo và được sự đồng ý của cơ quan chức năng.
d) Nếu quá trình thay đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tác động đến giá thành xử lý thì trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hoàn tất thay đổi công nghệ chủ xử lý phải báo cáo cho Sở Tài nguyên và Môi trường để trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và đàm phán lại với chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt về việc điều chỉnh đơn giá cho phù hợp.
đ) Thời điểm tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường quy địnhđối với từng cơ sở xử lý chất thải chất thải rắn sinh hoạt.
e) Chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ được phép tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải rắn sinh hoạt có lẫn chất thải rắn công nghiệp, chất thải xây dựng theo tỷ lệ do cơ quan chức năng quy định.
g) Chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt không được phép tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh thành khác khi chưa có sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền.
h) Chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt không được phép tiếp nhận và xử lý chất thải nguy hại.
i) Chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp và chất thải xây dựng có tỷ lệ vượt quá tỷ lệ do cơ quan chức năng quy định được xem là chất thải bị từ chối. Phương pháp xác định chất thải bị từ chối và Biện pháp thu gom xử lý chất thải nguy hại đối với các bên liên quan do Sở Tài nguyên và Môi trường quy định. 19
k) Chủ xử lý phải vận hành hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tại Cơ sở xử lý chất thải đúng theo quy trình công nghệ đã được phê duyệt.
l) Chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng thành phố để được hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát mầm bệnh tại cơ sở xử lý chất thải và các biện pháp tăng cường trong mùa dịch bệnh. Chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phun xịt thuốc diệt côn trùng tại các vị trí và tần suất do Trung tâm y tế dự phòng đề nghị.
m) Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Trung Tâm y tế dự phòng thành phố tổ chức kiểm tra 02 lần/năm, ghi nhận hiện trạng và đánh giá việc thực hiện các quy định hiện hành về y tế đối trong công tác kiểm soát mầm bệnh tại các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
n) Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải được trang bị:
- Thiết bị xác định khối lượng, camera giám sát, thiết bị báo động
- Đường dây liên lạc nóng, sử dụng liên tục, thường xuyên
- Biển báo khu vực giao thông, phân luồng giao thông - Bảng hướng dẫn vận hành, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố theo đúng quy định pháp luật
- Sơ đồ, kí hiệu hướng dẫn thoát hiểm
o) Chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải lưu giữ và cung cấp các thông tin dữ liệu của thiết bị xác định khối lượng và camera giám sát theo quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường.
p) Trường hợp chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngừng dịch vụ xử lý để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp dịch vụ xử lý, chủ xử lý chất thải sinh hoạt phải thông báo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường. Nội dung thông báo phải nêu rõ lý do, thời gian tạm ngừng dịch vụ đồng thời phải có phương án xử lý.
q) Lập sổ giao nhận chất thải rắn sinh hoạt; nhật ký vận hành các hệ thống, thiết bị cho việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt; sổ theo dõi số lượng, nguồn tiêu thụ của các sản phẩm tái chế hoặc thu hồi từ chất thải rắn sinh hoạt (nếu có).
r) Các hợp đồng, nhật ký, tài liệu có liên quan đến hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải được lưu trữ suốt vòng đời dự án để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.
3. Quy định về kiểm tra, giám sát, xử phạt, nghiệm thu và thanh toán dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt 20
a) Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công tác cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
b) Căn cứ Quy định về kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công tác cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch và tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát, lấy mẫu phân tích định kỳ, đột xuất để làm cơ sở đánh giá chất lượng dịch vụ và nghiệm thu, thanh toán sản phẩm, dịch vụ. Các nội dung nêu trên phải được thể hiện đầy đủ trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở thực hiện.
c) Ưu tiên sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho công tác kiểm tra, giám sát.
d) Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các mức phạt đối với các vi phạm hợp đồng để làm cơ sở xử lý vi phạm hợp đồng trong quá trình cung ứng dịch vụ.
đ) Căn cứ hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt với đơn vị cung ứng dịch vụ, căn cứ các biên bản kiểm tra, giám sát để xử phạt vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ.
e) Hàng tháng, căn cứ biên bản xác nhận khối lượng và chất lượng dịch vụ, biên bản xử phạt (nếu có) và các văn bản pháp luật hiện hành, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiệm thu khối lượng, chất lượng dịch vụ cho chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
g) Căn cứ đơn giá dịch vụ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng cung ứng dịch vụ, biên bản nghiệm thu khối lượng, chất lượng dịch vụ, biên bản xử phạt, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh toán cho chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
h) Quy trình, thủ tục nghiệm thu thanh toán được thực hiện theo quy định hiện hành và do Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn.
Điều 9. Giá dịch vụ thu gom tại nguồn, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Giá dịch vụ thu
a) Nguyên tắc chung - Giá dịch vụ thu là giá dịch vụ do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành để thu từ cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải nhằm tổ chức thực hiện cung ứng dịch vụ và bù đắp một phần cho ngân sách đã chi trả cho chi phí thu gom tại nguồn, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong đó bao gồm chi phí phục vụ cho công tác đi thu và quản lý giá dịch vụ này.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục thuế thành phố xây dựng mức giá và phương thức quản lý của giá dịch vụ thu trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
- Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt phải trả giá dịch vụ thu theo quy định. Trong đó, chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt và một phần chi phí vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ cá nhân, hộ gia đình được nhà nước bù đắp thông qua ngân sách địa phương cho đến khi Ủy ban nhân dân thành phố triển khai Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường.
- Cá nhân, tổ chức được giao trách nhiệm thực hiện thu giá dịch vụ thu phải sử dụng biên lai thu tiền hoặc hóa đơn theo quy định.
- Căn cứ danh sách thống kê số lượng các hộ gia đình, chủ nguồn thải và các chủ thu gom tại nguồn cung ứng dịch vụ trên địa bàn quận/huyện mà Ủy ban nhân dân phường/xã lập theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6, Ủy ban nhân dân quận/huyện chủ trì tổ chức xác định khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh để làm cơ sở phân nhóm các chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt để xác định mức giá dịch vụ theo quy định.
- Chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt thực hiện thu giá dịch vụ thu gom tại nguồn. Chủ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được nhà nước ủy quyền thực hiện thu giá dịch vụ vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. b) Giá dịch vụ thu để thực hiện cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn
- Giá dịch vụ thu để thực hiện cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt là mức giá sàn để thực hiện dịch vụ căn cứ theo quy trình vận hành kỹ thuật do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành và các quy định liên quan khác.
- Chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt căn cứ danh sách kê khai số lượng, phân loại các hộ gia đình, chủ nguồn thải, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận và mức giá dịch vụ thu gom tại nguồn do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt để ký hợp đồng với Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn và chủ nguồn thải về việc thực hiện cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn.
- Chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo thu giá dịch vụ thu gom tại nguồn theo đúng danh sách các hộ gia đình, chủ nguồn thải được cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Khi có thay đổi về danh sách cung ứng dịch vụ thu gom, chủ thu gom phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh danh sách để làm cơ sở thực hiện dịch vụ.
- Chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt có thể thu thêm giá dịch vụ tăng thêm để cung cấp các dịch vụ khác theo thỏa thuận và thống nhất với hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt. - Chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt được giữ lại mức giá dịch vụ phục vụ cho công tác thu gom tại nguồn và mức giá dịch vụ phục vụ cho công tác thu giá dịch vụ. Chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm nộp mức giá dịch vụ cho Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn để phục vụ cho công tác quản lý thu giá dịch vụ. Tỷ lệ các mức giá dịch vụ do Ủy ban nhân dân thành phố quy định.
- Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn được trích giữ lại chi phí để phục vụ cho công tác quản lý quá trình thu giá dịch vụ thu gom tại nguồn theo tỷ lệ do Ủy ban nhân dân thành phố quy định.
- Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn phải tổ chức lực lượng để kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến công tác thu giá dịch vụ này.
c) Giá dịch vụ thu để thực hiện cung ứng dịch vụ vận chuyển và xử lý - Giá dịch vụ thu vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được xây dựng theo các quy định hiện hành, làm nguồn thu để chi trả hoặc bù đắp cho việc vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
- Chủ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt căn cứ danh sách kê khai số lượng, phân loại các hộ gia đình, chủ nguồn thải, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh đã được Ủy ban nhân dân quận/huyện xác định để tổ chức thu giá thu đối với dịch vụ vận chuyển và xử lý.
- Chủ vận chuyển phải đảm bảo thu đúng mức giá dịch vụ thu vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và danh sách các hộ gia đình, chủ nguồn thải được cung ứng dịch vụ vận chuyển, xử lý đã được Ủy ban nhân dân quận/huyện xác nhận. Khi có thay đổi về danh sách cung ứng dịch vụ vận chuyển, chủ vận chuyển phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân quận/huyện điều chỉnh danh sách để làm cơ sở thực hiện dịch vụ.
- Chủ vận chuyển được trích giữ lại mức thu giá dịch vụ để phục vụ cho công tác thu giá dịch vụ theo tỷ lệ do Ủy ban nhân dân thành phố quy định và phải nộp toàn bộ khoản thu từ giá dịch vụ vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn lại về cho Phòng Tài chính và Kế hoạch quận/huyện vào tài khoản tại Kho bạc nhà nước quận/huyện đúng số lượng và thời gian quy định.
- Ủy ban nhân dân quận/huyện được trích giữ lại chi phí để phục vụ cho công tác quản lý quá trình thu giá dịch vụ vận chuyển và xử lý theo tỷ lệ do Ủy ban nhân dân thành phố quy định.
- Ủy ban nhân dân quận/huyện phải tổ chức lực lượng để kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến công tác thu giá dịch vụ này. 23 2. Giá dịch vụ chi
a) Nguyên tắc chung
- Giá dịch vụ chi là giá dịch vụ do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, làm cơ sở để ký hợp đồng đặt hàng, đấu thầu và thanh toán cho đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
b) Giá dịch vụ chi để thực hiện cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn - Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục thuế thành phố xây dựng mức giá chi cho công tác thu gom tại nguồn trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt làm cơ sở để thực hiện các nội dung sau:
+ Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn ký hợp đồng với chủ thu gom tại nguồn và chủ nguồn thải ký hợp đồng với chủ thu gom tại nguồn.
+ Hộ gia đình và chủ nguồn thải chi trả cho chủ thu gom để thực hiện cung cứng dịch vụ thu gom tại nguồn. c) Giá dịch vụ chi để thực hiện cung ứng dịch vụ vận chuyển và xử lý Cơ quan quản lý nhà nước do Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp, ủy quyền quản lý cung ứng dịch vụ vận chuyển và xử lý chủ trì xây dựng đơn giá chi cho công tác cung ứng dịch vụ vận chuyển và xử lý theo quy định gửi Sở Tài chính thẩm định và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt để làm cơ sở ký hợp đồng đặt hàng, đấu thầu và thanh toán cho đơn vị chủ vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
CHƯƠNG III QUẢN LÝ CUNG ỨNG DỊCH VỤ QUÉT, THU GOM CHẤT THẢI RẮN ĐƯỜNG PHỐ VÀ KÊNH RẠCH
Điều 10. Quy định về quản lý cung ứng dịch vụ quét, thu gom chất thải rắn đường phố
1. Nguyên tắc chung
a) Việc cung ứng dịch vụ quét, thu gom chất thải rắn đường phố phải đảm bảo chất lượng vệ sinh và tuân thủ quy trình kỹ thuật quét, thu gom chất thải rắn đường phố do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành.
b) Quản lý cung ứng dịch vụ quét, thu gom chất thải rắn đường phố dựa trên hợp đồng cung ứng dịch vụ quét, thu gom chất thải rắn đường phố được ký kết giữa Ủy ban nhân dân quận/huyện với đơn vị cung ứng dịch vụ và các văn bản quy định pháp luật hiện hành liên quan.
c) Ủy ban nhân dân quận/huyện căn cứ đặc điểm, nhu cầu địa phương để xác định sự cần thiết để xác định và phê duyệt khối lượng công việc liên quan đến công tác quét, thu gom chất thải rắn đường phố (tuyến đường, diện tích, thời gian, tần suất) để làm cơ sở đặt hàng, đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ này theo quy định. Quyết định phê duyệt nội dung này báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ sở quản lý.
d) Việc xác định diện tích quét, thu gom chất thải rắn đường phố căn cứ các quy định hiện hành.
đ) Khuyến khích sử dụng phương tiện cơ giới thực hiện công tác quét, thu gom chất thải rắn đường phố.
2. Quy định kỹ thuật công tác quét dọn, thu gom chất thải rắn đường phố a) Tần suất quét
- Tần suất chung: 01 lần/ngày
- Riêng đối với các tuyến đường ngoại ô, khu dân cư thưa thớt, các tuyến đường đang trong giai đoạn thi công không phát sinh nhiều chất thải, tùy theo đặc thù của từng tuyến đường, Ủy ban nhân dân quận/huyện xác định tần suất phù hợp (2 -3 lần/tuần).
- Trường hợp trên hè, đường phố, nơi công cộng có đất, cát, bùn, bụi bẩn, xà bần rơi vãi, có khả năng gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông hoặc gây mất mỹ quan đô thị thì Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn xác định nguồn gốc chất thải và chỉ đạo, yêu cầu khắc phục trong vòng 01 giờ (trong trường hợp có khả năng gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông) hoặc trong 24 giờ (trong trường hợp gây mất mỹ quan đô thị). Đối với chất thải do chủ đầu tư làm rơi vãi thì Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn yêu cầu chủ đầu tư khắc phục. Đối với chất thải không xác định được nguồn gốc thì Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn chỉ đạo đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn khắc phục.
b) Thời gian quét
- Thời gian thực hiện quét, thu gom chất thải rắn đường phố:
+ Ca đêm: từ 22 giờ đến trước 06 giờ sáng hôm sau
+ Ca ngày: từ 08 giờ đến trước 16 giờ cùng ngày
- Quy định chung: thực hiện quét, thu gom chất thải rắn đường phố vào ban đêm. Đối với một số khu vực trung tâm quận/huyện hoặc khu vực dân cư đông cần bố trí thêm ca quét ngày để đảm bảo vệ sinh và mỹ quan đô thị thì Ủy ban nhân dân quận/huyện đề xuất, xin chủ trương Ủy ban nhân dân thành phố để làm cơ sở thực hiện. 25 3. Quy định về kiểm tra, giám sát, xử phạt, nghiệm thu và thanh toán cung ứng dịch vụ quét, thu gom chất thải rắn đường phố a) Căn cứ quy trình kỹ thuật quét, thu gom chất thải rắn đường phố do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành, Ủy ban nhân dân quận/huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát để làm cơ sở đánh giá chất lượng dịch vụ, nghiệm thu, thanh toán sản phẩm, dịch vụ.
b) Tần suất thực hiện kiểm tra, giám sát: hàng ngày
c) Phương thức kiểm tra, giám sát:
- Tổ chức lực lượng thực hiện kiểm tra, giám sát trực tiếp để đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ bằng phương thức trực quan, hình ảnh và thăm dò ý kiến người dân xung quanh về chất lượng dịch vụ bằng phiếu khảo sát. Kết quả kiểm tra, giám sát được xác nhận cụ thể bằng biên bản.
- Trong quá trình kiểm tra giám sát cung ứng dịch vụ, nếu phát hiện các vấn đề gây ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường liên quan đến quá trình cung ứng dịch vụ quét, thu gom chất thải rắn đường phố, lực lượng giám sát tiến hành lập biên bản và báo cáo cho các đơn vị có thẩm quyền để giải quyết.
- Ưu tiên sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho công tác kiểm tra, giám sát.
d) Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các mức phạt đối với các vi phạm để làm cơ sở xử lý vi phạm hợp đồng trong quá trình cung ứng dịch vụ. Tùy theo tình hình địa phương, Ủy ban nhân dân quận/huyện tăng mức phạt cho phù hợp.
đ) Các nội dung về kiểm tra, giám sát, xử phạt, nghiệm thu và thanh toán cung ứng dịch vụ quét, thu gom chất thải rắn đường phố phải được cụ thể trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng cung ứng dịch vụ để làm cơ sở thực hiện.
e) Căn cứ hợp đồng cung ứng dịch vụ quét, thu gom chất thải rắn đường phố với đơn vị cung ứng dịch vụ, căn cứ các biên bản kiểm tra, giám sát để xử phạt vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ.
g) Hàng tháng, căn cứ biên bản xác nhận khối lượng và chất lượng dịch vụ, biên bản xử phạt (nếu có) và các văn bản pháp luật hiện hành, Ủy ban nhân dân quận/huyện thực hiện nghiệm thu khối lượng, chất lượng dịch vụ cho đơn vị cung ứng dịch vụ.
h) Căn cứ đơn giá dịch vụ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng cung ứng dịch vụ, biên bản nghiệm thu khối lượng, chất lượng dịch vụ, Ủy ban nhân dân quận/huyện tiến hành thủ tục thanh toán cho đơn vị cung ứng dịch vụ.
i) Quy trình, thủ tục nghiệm thu thanh toán được thực hiện theo quy định 26 hiện hành và do Ủy ban nhân dân quận/huyện hướng dẫn.
Điều 11. Quy định về quản lý cung ứng dịch vụ vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch
1. Nguyên tắc chung
a) Việc cung ứng dịch vụ vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch phải đảm bảo chất lượng vệ sinh, khai thông dòng chảy; tuân thủ quy trình kỹ thuật vớt, thu gom chất thải rắn trên kênh, rạch do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và các quy định về giao thông thủy.
b) Quản lý cung ứng dịch vụ vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch dựa trên hợp đồng cung ứng dịch vụ vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch, được ký kết hàng năm giữa cơ quan quản lý nhà nước do Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh với đơn vị cung ứng dịch vụ và các văn bản quy định pháp luật hiện hành liên quan.
c) Cơ quan được Ủy ban nhân dân Thành phố phân cấp quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải xây dựng kế hoạch, phương án vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch (gồm số lượng tuyến, tần suất, thời gian, công nghệ, dự toán kinh phí) trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, chấp thuận để làm cơ sở thực hiện.
d) Khuyến khích sử dụng các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại thực hiện công tác vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch.
2. Quy định công tác vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch
a) Các tuyến sông, kênh, rạch được thực hiện vớt, thu gom bao gồm: Cơ quan được Ủy ban nhân dân Thành phố phân cấp quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào mức độ ô nhiễm và cản trở lưu thông dòng chảy, giao thông thủy phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất danh sách, số lượng các tuyến sông, kênh, rạch cần thực hiện vớt, thu gom trình Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương.
b) Tần suất vớt Tùy đặc điểm tình trạng chất thải rắn trên các tuyến sông, kênh, rạch, cơ quan được Ủy ban nhân dân Thành phố phân cấp quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, chấp thuận tần suất vớt hợp lý.
c) Thời gian vớt Tùy thuộc vào thủy triều, mực nước, điều kiện vị trí địa lý để đề xuất thời gian thực hiện vớt của các tuyến sông, kênh, rạch phù hợp. 27 3. Quy định về kiểm tra, giám sát, xử phạt, nghiệm thu và thanh toán cung ứng dịch vụ vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch
a) Căn cứ quy trình kỹ thuật công tác vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành, cơ quan được Ủy ban nhân dân Thành phố phân cấp quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch và tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát để làm cơ sở đánh giá chất lượng dịch vụ, nghiệm thu, thanh toán sản phẩm, dịch vụ.
b) Tần suất thực hiện kiểm tra, giám sát: hàng ngày
c) Phương thức kiểm tra, giám sát: - Tổ chức lực lượng thực hiện kiểm tra, giám sát trực tiếp để đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ bằng phương thức trực quan, hình ảnh và thăm dò ý kiến người dân xung quanh về chất lượng dịch vụ bằng phiếu khảo sát. Kết quả kiểm tra, giám sát được xác nhận cụ thể bằng biên bản.
- Trong quá trình kiểm tra giám sát cung ứng dịch vụ, nếu phát hiện các vấn đề gây ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường liên quan đến quá trình cung ứng dịch vụ vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch, lực lượng giám sát tiến hành lập biên bản và báo cáo cho các đơn vị có thẩm quyền để giải quyết.
- Ưu tiên sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho công tác kiểm tra, giám sát.
d) Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các mức phạt đối với các vi phạm để làm cơ sở xử lý vi phạm hợp đồng trong quá trình cung ứng dịch vụ. Tùy theo tình hình địa phương, cơ quan được Ủy ban nhân dân Thành phố phân cấp quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tăng mức phạt cho phù hợp.
đ) Các nội dung về kiểm tra, giám sát, xử phạt, nghiệm thu và thanh toán cung ứng dịch vụ vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch phải được cụ thể trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng cung ứng dịch vụ để làm cơ sở thực hiện.
e) Căn cứ hợp đồng cung ứng dịch vụ vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch với đơn vị cung ứng dịch vụ, căn cứ các biên bản kiểm tra, giám sát để xử phạt vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ.
g) Hàng tháng, căn cứ biên bản xác nhận khối lượng và chất lượng dịch vụ, biên bản xử phạt (nếu có) và các văn bản pháp luật hiện hành, cơ quan được Ủy ban nhân dân Thành phố phân cấp quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiệm thu khối lượng, chất lượng dịch vụ cho đơn vị cung ứng dịch vụ. 28
h) Căn cứ đơn giá dịch vụ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng cung ứng dịch vụ, biên bản nghiệm thu khối lượng, chất lượng dịch vụ, cơ quan được Ủy ban nhân dân Thành phố phân cấp quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thủ tục thanh toán cho đơn vị cung ứng dịch vụ.
i) Quy trình, thủ tục nghiệm thu thanh toán được thực hiện theo quy định hiện hành và do Ủy ban nhân dân quận/huyện hướng dẫn.
Chương IV
QUẢN LÝ CUNG ỨNG DỊCH VỤ THU GOM, VỆ SINH THÙNG RÁC CÔNG CỘNG
Điều 12. Nguyên tắc chung
1. Quản lý cung ứng dịch vụ thu gom, vệ sinh thùng rác công cộng dựa trên hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom, vệ sinh thùng rác công cộng giữa chủ đầu tư với đơn vị cung ứng dịch vụ.
2. Ủy ban nhân dân quận/huyện quản lý và cập nhật dữ liệu về thùng rác công cộng trên địa bàn mình quản lý, định kỳ hàng năm gửi báo cáo về hiện trạng thùng rác công cộng trên địa bàn quận/huyện cho Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý tổng hợp.
3. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư thùng rác công cộng có quảng cáo, bao gồm cả dịch vụ thu gom và vệ sinh thùng rác; ưu tiên lắp đặt thùng rác phân loại chất thải rắn tại nguồn, thùng rác thông minh.
Điều 13. Vị trí, khoảng cách lắp đặt thùng rác công cộng Tùy mật độ dân cư từng khu vực, Ủy ban nhân dân quận/huyện xác định nhu cầu, vị trí và khoảng cách lắp đặt thùng rác công cộng, đảm bảo hiệu quả sử dụng và chất lượng vệ sinh môi trường. Ưu tiên lắp đặt tại khu vực có đông khách vãng lai như khu vực bệnh viện, trường học, trạm dừng chân tàu xe, trung tâm văn hóa, siêu thị, chợ, công viên, khu vực hành chính.
Điều 14. Quy định kỹ thuật về thùng rác công cộng
1. Thùng rác công cộng có kích thước, hình dáng, màu sắc phù hợp với mục đích sử dụng, hài hòa với cảnh quan xung quanh.
2. Tùy mật độ dân cư từng khu vực, Ủy ban nhân dân quận/huyện lựa chọn kích thước thùng rác công cộng phù hợp với nhu cầu sử dụng.
3. Thùng rác công cộng phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ quan và vệ sinh môi trường như kín, không rò rỉ nước rác, có nắp đậy, không nứt vỡ, miệng thùng rộng, thuận tiện trong việc thu gom và vệ sinh thùng.
4. Trên thân thùng rác công cộng phải ghi rõ tên đơn vị chủ quản.
Điều 15. Quy định kỹ thuật thu gom và vệ sinh thùng rác công cộng
1. Hoạt động thu gom và vệ sinh thùng rác công cộng phải tuân thủ quy định về quy trình kỹ thuật do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành.
2. Các phương tiện thu gom thùng rác công cộng phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh môi trường (kín, không rò rỉ nước rác, có nắp đậy hoặc bạt phủ kín hạn chế phát tán mùi) và đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của luật giao thông đường bộ Việt Nam.
3. Xung quanh phương tiện phải được sơn hoặc dán đề can phản quang (đối với phương tiện thực hiện vào ban đêm), ghi tên đơn vị chủ quản và trang bị đèn cảnh báo vào ban đêm.
4. Các phương tiện thu gom thùng rác công cộng bao gồm: xe đẩy tay bằng vật liệu composite có dung tích 660 lít thu gom thùng rác công cộng loại nhỏ 50 – 70 lít, xe ép thu gom thùng rác công cộng loại lớn 120 – 660 lít.
5. Thời gian thu gom thùng rác công cộng phải đảm bảo kết nối hiệu quả với công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, hạn chế giờ cao điểm.
6. Tần suất thu gom và vệ sinh thùng rác công cộng: 1 lần/ngày
Điều 16. Quy định kiểm tra, giám sát xử phạt hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom vệ sinh thùng rác công cộng
a) Căn cứ quy trình kỹ thuật thu gom vệ sinh thùng rác công cộng do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành, Ủy ban nhân dân quận/huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát để làm cơ sở đánh giá chất lượng dịch vụ, nghiệm thu, thanh toán quá trình (sản phẩm) cung ứng dịch vụ.
b) Tần suất thực hiện kiểm tra, giám sát: hàng ngày c) Phương thức kiểm tra, giám sát:
- Tổ chức lực lượng đi kiểm tra, giám sát trực tiếp để ghi nhận bằng trực quan, hình ảnh và thăm dò ý kiến người dân xung quanh về chất lượng dịch vụ bằng phiếu khảo sát. Lưu ý lập biên bản đối với các trường hợp giải quyết sự cố môi trường trong quá trình cung ứng dịch vụ của các đơn vị.
- Ưu tiên sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho công tác kiểm tra, giám sát.
d) Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các mức phạt đối với các vi phạm trong quá trình cung ứng dịch vụ. Tùy theo tình hình địa phương, Ủy ban nhân dân quận/huyện tăng mức phạt cho phù hợp.
đ) Các nội dung về kiểm tra, giám sát, xử phạt, nghiệm thu và thanh toán cung ứng dịch vụ thu gom vệ sinh thùng rác công cộng phải được thể hiện trong hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng để làm cơ sở thực hiện.
e) Căn cứ hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom vệ sinh thùng rác công cộng với đơn vị cung ứng dịch vụ, căn cứ các biên bản kiểm tra, giám sát để xử phạt vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ.
g) Căn cứ đơn giá dịch vụ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng cung ứng dịch vụ, biên bản nghiệm thu khối lượng, chất lượng dịch vụ, biên bản xử phạt, Ủy ban nhân dân quận/huyện tiến hành thanh toán cho đơn vị cung ứng dịch vụ.
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
CHƯƠNG V TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN CÓ LIÊN QUAN
Điều 17. Trách nhiệm và quyền hạn của các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt
1. Trách nhiệm
a) Thực hiện việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại
Điều 5 của Quy định này và các quy định hiện hành liên quan.
b) Thực hiện các quy định về quản lý cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn tại Điều 6 của Quy định này và các quy định hiện hành liên quan.
c) Thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giá dịch vụ thu theo quy định tại
Điều 9 của Quy định này và trả giá dịch vụ theo thỏa thuận do phát sinh dịch vụ khác (nếu có).
d) Thực hiện chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho chủ thu gom theo đúng thời gian và phương thức do Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn quy định. đ) Phối hợp với các đơn vị liên quan kê khai khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh theo quy định.
e) Không được đổ chất thải rắn, thải bỏ chất thải rắn trước mặt nhà, trên lòng lề đường, miệng hố ga, ao hồ, sông, kênh, rạch hoặc đổ vào các nơi công cộng khác.
g) Mọi cá nhân khi đi lại trên đường, những nơi công cộng có nhu cầu thải bỏ chất thải rắn phải bỏ chất thải rắn vào thùng rác công cộng hoặc những nơi do Sở Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể.
h) Cá nhân, chủ nguồn thải kinh doanh dịch vụ ăn uống phải bố trí thùng rác tại mỗi bàn ăn.
i) Dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu đất do mình sở hữu, vỉa hè trước và xung quanh nhà, cơ sở hoặc trụ sở. Đối với những đường hẻm không có công nhân vệ sinh quét dọn thì các hộ gia đình, chủ nguồn thải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh đường hẻm đó cũng như phần vỉa hè trước, xung quanh nhà, cơ sở hoặc trụ sở.
k) Hỗ trợ cơ quan quản lý ngành trong công tác điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (như khối lượng, thành phần chất thải,...)
l) Tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn về quản lý chất thải rắn.
2. Quyền hạn
a) Được nhà nước bảo đảm việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
b) Có quyền giám sát và phản ánh các vấn đề liên quan đến giá dịch vụ hợp đồng, đánh giá chất lượng cung ứng các dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định với các cơ quan chức năng tại địa phương (Ủy ban nhân dân phường/xã, Ủy ban nhân dân quận/huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố).
c) Có quyền không cho tổ chức, cá nhân nào làm việc gì gây mất vệ sinh khu vực đất do mình sở hữu, vỉa hè trước và xung quanh nhà, cơ sở hoặc trụ sở và được quyền buộc người gây mất vệ sinh phải khắc phục ngay hậu quả.
d) Thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương đến kiểm tra xử phạt đối với những trường hợp vi phạm các quy định của Quy định này.
đ) Được khen thưởng, tuyên dương và công nhận gia đình điểm, văn hóa khi tham gia thực hiện tốt phong trào, chương trình hoặc hiến kế, góp ý nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
e) Có quyền thương thảo với chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt để yêu cầu các dịch vụ tăng thêm như thu gom chất thải rắn sinh hoạt ngoài thời gian quy định, thu gom chất thải rắn cồng kềnh, vệ sinh khu phố.
Điều 18. Trách nhiệm và quyền hạn của chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
1. Trách nhiệm
a) Thực hiện ký hợp đồng và cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tuân thủ các quy định tại
Điều 6 của Quy định này và các quy định hiện hành liên quan.
b) Thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giá dịch vụ thu theo quy định tại Điều 9 của Quy định này và các quy định hiện hành liên quan.
c) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
d) Thực hiện thống kê danh sách thông tin người thu gom, số lượng, loại phương tiện thu gom, địa bàn thu gom theo mẫu do Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn gửi Ủy ban nhân phường/xã/thị trấn quản lý.
đ) Bảo đảm đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt theo các quy định của pháp luật tại những hộ gia đình và chủ nguồn thải đã ký hợp đồng.
e) Nhắc nhở các cá nhân, hộ gia đình và chủ nguồn thải không giao chất thải rắn đúng thời gian và phương thức quy định. Được quyền từ chối tiếp nhận chất thải và thông báo cho Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn biết trong trường hợp các cá nhân, hộ gia đình và chủ nguồn thải không giao chất thải rắn đúng thời gian và phương thức quy định liên tiếp 3 lần.
g) Định kỳ 6 tháng/lần, chủ thu gom gửi báo cáo thống kê danh sách số lượng, phân loại các hộ gia đình, chủ nguồn thải và danh sách thông tin người thu gom, số lượng, loại phương tiện thu gom, địa bàn thu gom theo mẫu do Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cho các đơn vị quản lý (Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn hoặc Ban quản lý hạ tầng khu công nghiệp khu chế xuất) để cập nhật, điều chỉnh theo quy định tại Điều 9 của quy định này.
h) Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận/huyện, phường/xã/thị trấn và các đơn vị quản lý ngành tuyên truyền vận động hộ gia đình và chủ nguồn thải về trách nhiệm quản lý chất thải rắn và nghĩa vụ nộp giá dịch vụ.
i) Chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, gây phát tán bụi, mùi hoặc rò rỉ nước rác gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển đến các điểm hẹn, trạm trung chuyển.
k) Đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động cho công nhân thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
l) Tổ chức khám bệnh định kỳ, bảo đảm các chế độ cho người lao động tham gia thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
m) Lập các báo cáo sau:
- Báo cáo công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Biểu mẫu báo cáo quản lý chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường quy định. - Báo cáo về quản lý việc thu – chi – nộp ngân sách các khoản chi phí liên quan đến giá dịch vụ thu theo quy định tại Điều 9 của của quy định này. 2. Quyền hạn
a) Được thu và giữ lại chi phí thu gom tại nguồn đối với chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 9 của quy định này. 34 b) Được hỗ trợ theo quy định của chương trình khi Ủy ban nhân dân thành phố triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
c) Được hỗ trợ hướng dẫn thủ tục pháp lý để thành lập hợp tác xã hoặc doanh nghiệp thu gom chất thải rắn sinh hoạt và các hỗ trợ khác của nhà nước nhằm phát triển hoạt động của các hợp tác xã, doanh nghiệp thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Điều 19. Trách nhiệm và quyền hạn của chủ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
1. Trách nhiệm
a) Thực hiện ký hợp đồng và cung ứng dịch vụ vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt tuân thủ các quy định tại Điều 7 của Quy định này và các quy định hiện hành liên quan.
b) Thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giá dịch vụ thu theo quy định tại Điều 9 của Quy định này.
c) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
d) Cung cấp tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào phần mềm trực tuyến xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các xe thuộc đơn vị cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
đ) Bảo đảm đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để vận chuyển toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại những địa điểm đã quy định.
e) Đảm bảo tải trọng của phương tiện theo đúng hồ sơ kiểm định đã được phê duyệt.
g) Báo cáo, điều chỉnh giấy kiểm định cho cơ quan có thẩm quyền khi sửa chữa, thay đổi kết cấu của phương tiện vận chuyển làm ảnh hưởng đến tự trọng và tải trọng của xe.
h) Đào tạo nghiệp vụ, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân và các dụng cụ cần thiết để thực hiện theo quy trình vận hành kỹ thuật thu gom vận chuyển do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành.
i) Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận/huyện xây dựng lộ trình và cự ly bình quân vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
k) Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận/huyện để xác định thời gian tiếp nhận chất thải rắn tại các điểm hẹn và thời gian vận hành trạm trung chuyển.
l) Thông báo rộng rãi về thời gian tiếp nhận chất thải rắn tại các điểm hẹn, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt cho các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện.
m) Trường hợp phân loại được chất thải nguy hại từ chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm hẹn, trạm trung chuyển thì phải chuyển sang quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại hiện hành.
n) Chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, gây phát tán bụi, mùi hoặc rò rỉ nước rác gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.
o) Tổ chức khám bệnh định kỳ, bảo đảm các chế độ cho người lao động tham gia cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
p) Lập các báo cáo sau:
- Báo cáo công tác vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Biểu mẫu báo cáo công tác vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường quy định. - Báo cáo về quản lý việc thu – chi – nộp ngân sách các khoản chi phí liên quan đến giá dịch vụ thu theo quy định tại Điều 9 của của quy định này.
u) Trường hợp chủ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đồng thời là chủ vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chất thải nguy hại, việc thực hiện các báo cáo, hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại được tích hợp với nhau. 2. Quyền hạn
a) Được nhà nước thanh toán kinh phí vận chuyển theo giá cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
b) Có thể nghiên cứu đưa ra các biện pháp hỗ trợ hoặc thay thế nhằm làm giảm chi phí cũng như nâng cao chất lượng vệ sinh nhưng phải đảm bảo các biện pháp hỗ trợ hoặc thay thế này không trái với các quy định hiện hành.
c) Được quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan đến hoạt động vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
d) Được thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Trách nhiệm và quyền hạn của chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Trách nhiệm
a) Thực hiện ký hợp đồng và cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tuân thủ các quy định tại Điều 8 của Quy định này và các quy định hiện hành liên quan.
b) Thực hiện đầy đủ cơ sở pháp lý và công trình liên quan đến công tác bảo vệ môi trường theo các quy định hiện hành.
c) Thực hiện các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
d) Thực hiện chương trình quản lý và giám sát môi trường.
đ) Thực hiện đầy đủ cơ sở pháp lý và công trình liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành.
e) Cung cấp các hồ sơ pháp lý có hiệu lực liên quan đến mạng lưới thu gom nước thải (bao gồm nước thải phát sinh trong khu vực sản xuất; khu vực rửa trang thiết bị, phương tiện; khu vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, …) và các tuyến ống dẫn, điểm đấu nối từ hệ thống xử lý nước thải đến vị trí xả thải trong khuôn viên của Cơ sở xử lý chất thải. Xem thêm: Nước thải công nghiệp là gì
g) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và nghiệm thu theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Quy định này.
h) Xây dựng quy trình kỹ thuật, kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp thực hiện.
i) Phối hợp, thông báo kịp thời với đơn vị giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc phạm vi hoạt động của mình.
k) Cung cấp các hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát làm cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện.
l) Tuân thủ theo quy trình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
m) Đảm bảo về khối lượng, chất lượng trong quá trình cung ứng dịch vụ theo quy định của ngành môi trường trong suốt quá trình cung cấp dịch vụ. n) Kiểm tra các chất thải chuyển giao đến cơ sở xử lý chất thải và từ chối tiếp nhận các loại chất thải không phải chất thải rắn sinh hoạt.
o) Khiếu nại với Sở Tài nguyên và Môi trường về việc đơn vị giám sát không thực đúng theo quy định về giám sát, nghiệm thu trong quá trình hoạt động.
p) Thực hiện đầy đủ các nội dung xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và hồ sơ đề nghị xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt kèm theo nội dung xác nhận.
q) Có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước, các bên có liên quan trong trường hợp ngừng dịch vụ xử lý để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp dịch vụ xử lý. Nội dung thông báo phải nêu rõ lý do, thời gian tạm ngừng dịch vụ đồng thời phải có phương án xử lý.
r) Khi phát hiện sự cố môi trường phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chủ đầu tư, chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra ô nhiễm hoặc sự cố môi trường để phối hợp xử lý.
s) Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý báo cáo, hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
t) Trường hợp phân loại được chất thải nguy hại từ chất thải rắn sinh hoạt hoặc phát sinh chất thải nguy hại tại cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì phải chuyển sang quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định hiện hành.
u) Lập báo cáo công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Biểu mẫu báo cáo công tác vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường quy định.
2. Quyền hạn
a) Được phản ánh với Sở Tài nguyên và Môi trường về khối lượng và thành phần CTSRH tiếp nhận để đảm bảo phù hợp với mục tiêu xử lý, môi trường và hiệu quả xử lý.
b) Được thanh toán đúng và đủ giá dịch vụ xử lý chất thải rắn theo hợp đồng đã ký kết.
c) Được yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế hoạt động giám sát.
d) Được quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan đến hoạt động xử lý chất thải rắn.
đ) Được thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Trách nhiệm của đơn vị cung ứng dịch vụ quét, thu gom chất thải rắn đường phố, dịch vụ vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch và dịch vụ thu gom, vệ sinh thùng rác công cộng
1. Thực hiện ký hợp đồng và cung ứng dịch vụ tuân thủ các quy định tại Chương III, Chương IV của Quy định này và các quy định hiện hành liên quan.
2. Bảo đảm đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thực hiện cung ứng dịch vụ.
3. Đào tạo nghiệp vụ, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân và các dụng cụ cần thiết để thực hiện theo quy trình vận hành kỹ thuật do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành.
5. Chịu trách nhiệm chất lượng vệ sinh môi trường trong phạm vi cung ứng dịch vụ.
6. Tổ chức khám bệnh định kỳ, bảo đảm các chế độ cho người lao động tham gia cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Điều 22. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố
1. Tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, phân công, phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn và phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân quận/huyện về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
2. Tổ chức chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn, quy hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; lập kế hoạch hàng năm cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bố trí kinh phí thực hiện phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
3. Chỉ đạo, điều hành các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân quận/huyện, ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn tổ chức triển khai các quy định quản lý cung ứng dịch vụ lĩnh vực chất thải rắn sinh hoạt theo phân công, phân cấp.
4. Ban hành các quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền được nêu trong quy định này.
5. Chỉ đạo và giải quyết kịp thời các vấn đề, bất cập khi triển khai các Chương trình, phong trào liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt như phân loại chất thải rắn tại nguồn, nghiên cứu áp dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
6. Chỉ đạo xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển hoạt động của các hợp tác xã, doanh nghiệp thu gom chất thải rắn sinh hoạt, hỗ trợ khuyến khích việc thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
7. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
8. Xây dựng và ban hành các tiêu chí, thi đua khen thưởng đối với các khu phố, Tổ dân phố, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các chương trình và phong trào liên quan đến chất thải rắn nhằm bảo vệ môi trường.
Điều 23. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Quản lý chung
a) Chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố về mặt quản lý nhà nước hoạt động liên quan đến lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
b) Tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố theo sự phân công, phân cấp trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố.
c) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quy định cụ thể trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt; các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích việc thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
d) Lập và trình Ủy ban nhân dân thành phố thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành, Quy hoạch xử lý chất thải rắn theo thẩm quyền; lập kế hoạch hàng năm cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bố trí kinh phí thực hiện phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
đ) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, hướng dẫn sử dụng thống nhất trên toàn thành phố các loại kiểu dáng công nghiệp của các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
e) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận/huyện trong việc quy hoạch địa điểm, công nghệ xây dựng các trạm ép rác kín, các khu xử lý, các bãi chôn lấp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
g) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận/huyện công tác chuyên ngành phục vụ công tác đấu thầu cung ứng dịch vụ.
h) Kêu gọi đầu tư, huy động, xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực quét dọn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt.
i) Xây dựng, ban hành quy trình vận hành kỹ thuật chuyên ngành; quy trình kiểm tra, giám sát và nghiệm thu, thanh toán các công tác liên quan đến quản lý chất thải rắn.
k) Căn cứ sự phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố, tổ chức thực hiện hợp đồng đặt hàng, đấu thầu cung ứng các dịch vụ liên quan chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
l) Định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát Ủy ban nhân dân quận/huyện trong việc thực hiện quản lý nhà nước lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
m) Tổ chức bộ phận quản lý tinh gọn, hiệu quả và chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nghiệm thu chất lượng vệ sinh, thanh toán và xử phạt vi phạm hành chính, vi phạm hợp đồng đối với các hợp đồng cung ứng dịch vụ được Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp, ủy quyền.
n) Quản lý các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, chủ nguồn thải, chủ thu gom, chủ vận chuyển và cơ sở xử lý hoạt động trên địa bàn thành phố.
o) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận/huyện tổ chức công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom,vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, vi phạm hành chính lĩnh vực quản lý chất thải rắn.
p) Xây dựng Kế hoạch tổng thể các Chương trình, đề án, phong trào nhằm bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt.
q) Phối hợp Ủy ban nhân dân quận/huyện, phường xã và các đơn vị liên quan tổ chức, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, đề án, phong trào nhằm bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn.
r) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các mẫu biểu báo cáo, hợp đồng liên quan đến quy định này. s) Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, thời điểm báo cáo trước ngày 15 tháng 10 hàng năm.
t) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
u) Nghiên cứu áp dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
v) Tiếp nhận, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và các yêu cầu kiến nghị về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.
x) Xây dựng, hướng dẫn thủ tục đăng ký phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng, hướng dẫn thực hiện mẫu chứng từ chuyển giao chất thải cho các hộ gia đình, chủ nguồn thải tự vận chuyển chất thải.
y) Quy định cụ thể những nơi được thải bỏ chất thải rắn ở khu vực công cộng.
2. Quản lý công tác thu gom tại nguồn
a) Xây dựng và ban hành quy định quy trình kỹ thuật thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
b) Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân quận/huyện và các Sở ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận/huyện và các Sở ngành, đơn vị có liên quan trong việc hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo chủ trương chung của thành phố.
d) Hướng dẫn và hỗ trợ Ủy ban nhân dân các quận/huyện trong công tác triển khai tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai phân loại. Tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố các giải pháp để việc triển khai Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cao.
đ) Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Khung chính sách triển khai Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.
3. Quản lý công tác thu gom vận chuyển
a) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mạng lưới thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (điểm hẹn, trạm trung chuyển) trên địa bàn thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
b) Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân quận huyện và các đơn vị liên quan tham mưu về sự cần thiết, vị trí, công suất, công nghệ xây dựng trạm trung chuyển lớn (>500 tấn/ngày) trình Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng và vận hành.
c) Chủ trì xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trình cơ quan chức năng phê quyệt.
d) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận/huyện về việc thẩm định, phê duyệt lộ trình, cự ly bình quân thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
đ) Tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ theo thẩm quyền.
4. Quản lý công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt
a) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp xem xét, thẩm định dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
b) Hỗ trợ hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư dự án như: thủ tục giao thuê đất, xin giấy phép xây dựng, bảo vệ môi trường. c) Xây dựng quy định, kế hoạch kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, thanh toán, xử phạt vi phạm hợp đồng, vi phạm hành chính các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
d) Xây dựng tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành 42 5. Quản lý giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các đối tượng theo quy định trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
b) Chủ trì xây dựng và phối hợp Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo quy định.
c) Quản lý các báo cáo về số lượng, khối lượng và nguồn thu – chi – nộp ngân sách từ giá dịch vụ vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình và chủ nguồn thải trên địa bàn quận/huyện theo mẫu do Sở Tài nguyên và Môi trường quy định.
d) Chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn các đơn vị, các quận huyện, phường xã tổ chức thực hiện thống nhất công tác thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố. 6. Quản lý công tác quét thu gom chất thải rắn đường phố
a) Xây dựng, hướng dẫn quy trình kỹ thuật quét dọn, thu gom chất thải rắn đường phố áp dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;.
b) Tổ chức, hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận/huyện, các đơn vị thực hiện dịch vụ vệ sinh môi trường quy trình thực hiện.
c) Thẩm định, phê duyệt kế hoạch quét, thu gom chất thải rắn đường phố của các quận/huyện.
d) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận/huyện thực hiện xã hội hóa công tác quét dọn, thu gom rác đường phố.
đ) Kiểm tra giám sát đột xuất chất lượng vệ sinh tại các quận/huyện.
e) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận/huyện, các đơn vị dịch vụ vệ sinh thực hiện rà soát, xây dựng mới định mức trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, ban hành.
g) Phối hợp Sở Tài chính xây dựng đơn giá dịch vụ quét dọn, thu gom chất thải rắn đường phố trên địa bàn thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
h) Quản lý tình hình quét, thu gom chất thải rắn đường phố trên toàn địa bàn thành phố i) Kiểm tra giám sát đột xuất chất lượng vệ sinh công tác quét, thu gom chất thải rắn đường phố tại các quận huyện.
7. Quản lý công tác vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch
a) Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố quy định tại Điều 11 của Quy định này.
b) Quản lý tổng hợp tình hình thực hiện công tác vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch trên toàn địa bàn thành phố.
8. Quản lý công tác thu gom, vệ sinh thùng rác công cộng
a) Xây dựng, hướng dẫn quy trình kỹ thuật thu gom và vệ sinh thùng rác công cộng áp dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
b) Tổ chức, hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận huyện, các đơn vị thực hiện dịch vụ vệ sinh môi trường quy trình thực hiện.
c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận huyện thực hiện xã hội hóa công tác kêu gọi đầu tư thùng rác công cộng.
d) Kiểm tra giám sát đột xuất chất lượng vệ sinh thùng rác công cộng tại các quận huyện.
đ) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận huyện, các đơn vị dịch vụ vệ sinh thực hiện rà soát, xây dựng mới định mức trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, ban hành.
e) Phối hợp Sở Tài chính xây dựng đơn giá dịch vụ thu gom và vệ sinh thùng rác công cộng trên địa bàn thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
Điều 24. Trách nhiệm Sở Tài chính
1. Phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành và hướng dẫn các đơn vị, các quận huyện, phường xã tổ chức thực hiện thống nhất công tác thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố theo quy định tại Điều 9 quy định này.
2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt kinh phí cho các công tác liên quan đến chất thải rắn.
4. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng tham gia chương trình sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
5. Xác định dự toán kinh phí hàng năm cho Ủy ban nhân dận các quận/huyện để đảm bảo cho hoạt động và trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện cho các quận huyện theo Luật Ngân sách.
Điều 25. Trách nhiệm của Cơ quan Thuế
1. Phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
2. Hướng dẫn các đơn vị thực hiện biên lai thu tiền giá dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Điều 26. Trách nhiệm của Công an thành phố
1. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong ngành thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế theo quy định của pháp luật. 3. Hỗ trợ cho nhân dân, các cơ quan, tổ chức đơn vị trong việc đấu tranh, ngăn chặn những trường hợp cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý chất thải rắn.
4. Kiểm tra, giám sát phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo đùng tự trọng và tải trọng theo giấy kiểm định được cấp.
Điều 27. Trách nhiệm của Sở Tư pháp Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các biểu mẫu liên quan đến quy định này.
Điều 28. Trách nhiệm Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách, ODA, FDI, BOT, BT,… phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến quản lý chất thải rắn.
2. Hướng dẫn thủ tục đầu tư đối với các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
3. Tổng hợp kế hoạch vốn đầu tư phát triển cho công tác liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
4. Kêu gọi, lựa chọn, đề xuất các đơn vị đầu tư theo hình thức xã hội hóa kết hợp với các mô hình quảng cáo theo quy định nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước; trong trường hợp tại một số khu vực không thể kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa thì sẽ sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư.
Điều 29. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền Thông Chỉ đạo báo đài của thành phố có các chuyên trang, chuyên mục hấp dẫn để tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm thực hiện có hiệu quả quy định này. Phản ánh kịp thời gương người tốt việc tốt, phê phán những hành vi sai trái gâp ảnh hưởng đến môi trường. Điều 30. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo Vận dụng kiến thức thực tế đưa vào chương trình dạy học các nội dung nhằm giáo dục học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh tại nơi ở và công cộng.
Điều 31. Trách nhiệm Sở Quy hoạch Kiến trúc Phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển, lựa chọn vị trí lắp đặt thùng rác công cộng do Ủy ban nhân dân quận/huyện đề xuất trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo phù hợp quy hoạch và cảnh quan chung của đô thị.
Điều 32. Trách nhiệm Sở Văn hóa và Thể thao Hướng dẫn các đơn vị đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến cấp phép thiết lập các mô hình quảng cáo trên thùng rác công cộng.
Điều 33. Trách nhiệm Sở Giao thông Vận tải
1. Có trách nhiệm quản lý tự trọng và tải trọng phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
2. Cấp phép cho xe vận chuyển rác được lưu thông trên đường cấm, giờ cấm nhằm đảm bảo công tác thu gom rác.
Điều 34. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận/huyện
1. Quản lý chung
a) Chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình chất lượng vệ sinh môi trường, quá trình cung ứng dịch vụ của các đơn vị và kết quả triển khai các chương trình, phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn quận/huyện. Định kỳ báo cáo đánh giá, kết quả triển khai thực hiện, đồng thời nêu những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai và kiến nghị, đề xuất giải pháp thực hiện gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
b) Thực hiện các trách nhiệm liên quan theo quy định từ Điều 5 đến Điều 16 của Quy định này.
c) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
d) Tiếp nhận, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và các yêu cầu kiến nghị về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.
đ) Chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình và phong trào liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt hàng năm trên địa bàn quận/huyện gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi chung.
e) Chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, bất cập khi triển khai các Chương trình, phong trào liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt. g) Căn cứ các quy định hiện hành và yêu cầu thực tế tại địa phương, xây dựng phương án, dự toán k
inh phí, đề xuất, xin chủ trương và ghi vốn hoặc điều chỉnh vốn để thực hiện các công tác liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
h) Xây dựng và ban hành các tiêu chí, thi đua khen thưởng đối với các khu phố, Tổ dân phố, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các chương trình và phong trào bảo vệ môi trường liên quan đến chất thải rắn.
i) Khen thưởng, tuyên dương và công nhận gia đình điểm, văn hóa đối với các cá nhân, hộ gia đình và chủ nguồn thải khi tham gia thực hiện tốt phong trào, chương trình hoặc hiến kế, góp ý góp phần bảo vệ môi trường
k) Căn cứ sự phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố, tổ chức thực hiện hợp đồng đặt hàng, đấu thầu cung ứng các dịch vụ liên quan chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận huyện theo quy định.
l) Tổ chức bộ phận quản lý tinh gọn, hiệu quả và chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng vệ sinh và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính, vi phạm hợp đồng đối với các hợp đồng cung ứng dịch vụ được Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp, ủy quyền.
m) Thực hiện các báo cáo:
- Báo cáo định kỳ về tình hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
- Báo cáo kế hoạch tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng cung ứng các loại dịch vụ gồm thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; quét, thu gom chất thải rắn đường phố và kênh rạch; thu gom, vệ sinh thùng rác công cộng gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
- Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Quản lý công tác thu gom tại nguồn
a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn thẩm định, kiểm tra, xác nhận và quản lý thống kê danh sách số lượng, phân loại các hộ gia đình, chủ nguồn 47 thải và danh sách thông tin người thu gom, số lượng, loại phương tiện thu gom, địa bàn thu gom ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất theo mẫu do Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và định kỳ 6 tháng/lần báo cáo Ủy ban nhân dân quận/huyện công tác này.
b) Quản lý và kiểm tra các thủ tục pháp lý và các vấn đề về ô nhiễm môi trường đối với các trường hợp chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng thì thực hiện theo yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý của pháp luật hiện hành.
c) Chỉ đạo hướng dẫn Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn tổ chức quản lý và kiểm tra chứng từ chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt đối với các trường hợp chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt tự thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến các điểm hẹn, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
d) Chỉ đạo các phòng chuyên môn và Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn vận động tuyên truyền xử lý các hộ gia đình, chủ nguồn thải chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho chủ thu gom và không thực hiện các nghĩa vụ về giá dịch vụ thu gom tại nguồn.
đ) Xử phạt nghiêm các trường hợp chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng nhưng không theo yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý của pháp luật hiện hành.
e) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
g) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn, đơn vị có liên quan hỗ trợ phát triển hợp tác xã/doanh nghiệp thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo chủ trương chung của thành phố.
h) Tổ chức thành lập lực lượng nòng cốt tại địa phương là các cán bộ Phường, cán bộ/hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội viên Hội Cựu chiến binh, ban điều hành Khu phố, tổ dân phố,.. phụ trách trực tiếp công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn;
i) Đề xuất các giải pháp, cơ chế quản lý hiệu quả phù hợp với địa phương triển khai Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. k) Cử một cán bộ chuyên trách để quản lý các chương trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt trọng điểm liên quan đến cộng đồng.
3. Quản lý công tác vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt a) Quản lý các chủ thu gom vận chuyển hoạt động trên địa bàn quản lý.
b) Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn và các đơn vị liên quan sắp xếp thời gian hoạt động của các điểm hẹn và thời gian hoạt động 48 của các chủ thu gom, chủ vận chuyển đảm bảo kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom tại nguồn với công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và phù hợp với chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn.
c) Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn và các đơn vị liên quan xác định sự cần thiết, vị trí và quy mô các điểm hẹn trên địa bàn quản lý.
d) Thực hiện thẩm tra, phê duyệt lộ trình cự ly bình quân vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận/huyện theo phân cấp quản lý. đ) Tổ chức lực lượng giám sát quá trình cung ứng dịch vụ của các đơn vị, chất lượng vệ sinh tại các điểm hẹn, trạm trung chuyển thuộc quyền quản lý và xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ.
4. Quản lý giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt a) Thực hiện quản lý việc thu
– chi – nộp ngân sách các khoản chi phí liên quan đến dịch vụ vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo qui định tại Điều 9 của của quy định này.
b) Thẩm định và báo cáo Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường về số lượng, khối lượng và nguồn thu từ giá dịch vụ vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình và chủ nguồn thải trên địa bàn quận/huyện theo mẫu do Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trước ngày 01 tháng 10 hàng năm.
c) Chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra tính hợp lý, tính chính xác của số phí phải thu hoặc số thu từ giá dịch vụ
- Số phí trích lại cho đơn vị thu phí, chủ vận chuyển
- Số phí còn lại nộp ngân sách. Hướng dẫn nghiệp vụ về tài chính cho các đơn vị có liên quan;
d) Định kỳ mỗi tháng một lần (trước ngày 15) báo cáo công tác quản lý thu chi đã quy định tại Điều 9 của tháng trước theo mẫu do Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, báo cáo được gửi cho Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường.
đ) Hướng dẫn việc trích và sử dụng chi phí thu giá dịch vụ vận chuyển xử lý cho các chủ vận chuyển theo quy định của Bộ Tài chính và các quy định Nhà nước hiện hành.
5. Quản lý công tác quét, thu gom chất thải rắn đường phố
a) Phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố và các cơ quan khác có liên quan thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực quét dọn, thu gom chất thải rắn đường phố thuộc địa phương mình quản lý theo quy định.
b) Có trách nhiệm tổ chức, quản lý công tác quét dọn, thu gom chất thải rắn đường phố đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý; xác định thời gian, tuyến đường, tần suất quét dọn phù hợp trên địa bàn quản lý theo quy định;
c) Tổ chức ký hợp đồng đặt hàng hoặc đấu thầu chọn lựa đơn vị thực hiện dịch vụ quét dọn, thu gom chất thải rắn đường phố.
d) Tổ chức kiểm tra, giám sát, nghiệm thu khối lượng công việc do đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện theo quy định.
đ) Ghi nhận và báo cáo kịp thời cho đơn vị thực hiện dịch vụ các vị trí phát sinh đất, cát, bùn, bụi bẩn rơi vãi, xà bần có khả năng gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông hoặc gây mất mỹ quan đô thị. Giám sát quá trình tiếp nhận thông tin và xử lý của đơn vị thực hiện dịch vụ.
e) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện rà soát, xây dựng mới định mức trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, ban hành.
g) Lập dự toán kinh phí hàng năm gửi Sở Tài chính xem xét, trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện theo Luật Ngân sách.
h) Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính hàng năm về tình hình thực hiện, kinh phí thực hiện, các khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị giải quyết trong quá trình thực hiện.
6. Quản lý công tác vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch
a) Tổ chức khảo sát hiện trạng, chủ trì hoặc kiến nghị các đơn vị được phân cấp quản lý tổ chức thực hiện công tác vớt lục bình, rong cỏ, rác thải trên sông, kênh, rạch tại địa phương.
b) Tổ chức ký hợp đồng đặt hàng hoặc đấu thầu chọn lựa đơn vị thực hiện dịch vụ vớt lục bình, rong cỏ, rác thải trên sông, kênh, rạch do quận/huyện được phân cấp quản lý.
c) Tổ chức kiểm tra, giám sát, nghiệm thu khối lượng công việc do đơn vị dịch vụ vớt lục bình, rong cỏ, rác thải trên sông, kênh, rạch do quận/huyện được phân cấp quản lý.
d) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện rà soát, xây dựng mới định mức trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, ban hành. đ) Lập dự toán kinh phí hàng năm gửi Sở Tài chính xem xét, trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện theo Luật Ngân sách. e) Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính hàng năm về tình hình thực hiện, kinh phí thực hiện, các khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị giải quyết trong quá trình thực hiện. 50
7. Quản lý công tác thu gom, vệ sinh thùng rác công cộng a) Phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố và các cơ quan khác có liên quan thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thu gom và vệ sinh thùng rác công cộng.
b) Xác định mạng lưới, vị trí, số lượng, dung tích, mẫu mã thùng rác công cộng cần lặp đặt.
c) Có trách nhiệm tổ chức, quản lý công tác này, tổ chức ký hợp đồng đặt hàng hoặc đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ; xác định thời gian và tần suất thực hiện; tổ chức kiểm tra, giám sát, nghiệm thu khối lượng công việc do đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện theo quy định. d) Ghi nhận và báo cáo kịp thời cho đơn vị thực hiện dịch vụ các vấn đề phát sinh. Giám sát quá trình tiếp nhận thông tin và xử lý của đơn vị thực hiện dịch vụ.
đ) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện rà soát, xây dựng mới định mức trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, ban hành.
e) Lập dự toán kinh phí hàng năm gửi Sở Tài chính xem xét, trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện theo Luật Ngân sách. g) Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính hàng năm về tình hình thực hiện, kinh phí thực hiện, các khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị giải quyết trong quá trình thực hiện.
h) Tổ chức kêu gọi xã hội hóa đầu tư thùng rác.
i) Tổ chức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân, khách vãng lai, du khách trong việc xả thải; tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các hành vi xả thải không đúng quy định theo quy định hiện hành. Điều 35. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân phường/xã/thị trấn
1. Quản lý chung
a) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, triển khai các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
b) Tiếp nhận, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và các yêu cầu kiến nghị về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.
c) Định kỳ tổ chức kiểm tra, giám sát việc cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý. 51
d) Tổ chức xử lý vi phạm hành chính, vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền và phản ánh kịp thời cho cơ quan cấp trên để xử lý theo quy định.
đ) Chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận/huyện về tình hình chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn và kết quả triển khai các chương trình, phong trào bảo vệ môi trường tại địa phương. Định kỳ gửi Ủy ban nhân dân quận/huyện báo cáo đánh giá, kết quả triển khai thực hiện, đồng thời nêu những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai và kiến nghị, đề xuất giải pháp thực hiện.
e) Đề xuất Ủy ban nhân dân quận/huyện khen thưởng các trường hợp cá nhân, hộ gia đình và chủ nguồn thải tham gia thực hiện tốt phong trào, chương trình hoặc hiến kế, góp ý các vấn đề liên quan đến chất thải rắn nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
g) Chỉ đạo các Tổ dân phố tham gia giữ gìn vệ sinh đường phố, nơi công cộng và hệ thống kênh rạch trên địa phương (nếu có), thực hiện quy chế quản lý chất thải rắn sinh hoạt và đăng ký thực hiện quy ước giữ gìn vệ sinh. h) Đề xuất với Ủy ban nhân dân quận/huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường những chủ trương, biện pháp cải thiện chất lượng môi trường công tác vệ sinh đường phố và các kênh rạch.
2. Quản lý công tác thu gom tại nguồn
a) Quản lý danh sách hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quản lý.
b) Quản lý các chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý. c) Thẩm định, kiểm tra, xác nhận và quản
lý danh sách thống kê số lượng, phân loại các hộ gia đình, chủ nguồn thải và danh sách thông tin người thu gom, số lượng, loại phương tiện thu gom, địa bàn thu gom ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất do chủ thu gom lập và định kỳ 6 tháng/lần gửi Ủy ban nhân dân quận/huyện quản lý.
d) Phối hợp với các chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt xác định cụ thể thời gian, phương thức chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình, chủ nguồn thải và thời gian chuyển giao chất thải rắn tại các điểm hẹn phù hợp đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn quận/huyện.
đ) Phổ biến thời gian và phương thức chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt đến tất cả hộ gia đình và chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt.
e) Cung cấp danh sách những chủ thu gom thực hiện tốt để các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải lựa chọn ký hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt 52
tại nguồn. Khuyến khích ưu tiên lựa chọn chủ thu gom chất thải rắn sinh hoạt thực hiện tốt đang thu gom khu vực lân cận.
g) Thực hiện báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề về công tác quản lý hoạt động thu gom tại nguồn theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân quận/huyện, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
h) Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận/huyện trong việc tổ chức triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và các chương trình khác có liên quan.
i) Thực hiện chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận/huyện trong việc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom và tham gia các tổ chức có tư cách pháp nhân của các chủ thu gom là các cá nhân riêng lẻ.
3. Quản lý công tác vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt
a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận/huyện và các đơn vị liên quan sắp xếp thời gian hoạt động của các điểm hẹn và thời gian hoạt động của các chủ thu gom, chủ vận chuyển đảm bảo kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom tại nguồn với công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận/huyện và các đơn vị liên quan xác định sự cần thiết, vị trí và quy mô hoạt động của các điểm hẹn; sự cần thiết, vị trí, công suất của các trạm trung chuyển trên địa bàn quản lý phù hợp với điều kiện của địa phương.
4. Quản lý công tác quét, thu gom chất thải rắn đường phố và kênh rạch
a) Rà soát, khảo sát hiện trạng tất cả các tuyến sông, kênh, rạch thuộc địa bàn của phường/xã; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân quận/huyện xem xét, giải quyết.
b) Thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình quản lý vệ sinh môi trường trên sông, kênh, rạch tại địa phương theo đề nghị, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân quận/huyện, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
5. Quản lý công tác thu gom, vệ sinh thùng rác công cộng
a) Xác định tuyến đường, vị trí, số lượng, dung tích thùng rác công cộng cần lắp đặt, gửi Ủy ban nhân dân quận làm cơ sở tổng hợp dự toán kinh phí.
b) Phối hợp kiểm tra, giám sát, nghiệm thu khối lượng công việc do đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện theo quy định.
c) Giám sát quá trình tiếp nhận thông tin và xử lý của đơn vị thực hiện dịch vụ.
d) Tổ chức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân, khách vãng lai, du khách trong việc xả thải; tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các hành vi xả thải không đúng quy định theo quy định hiện hành.
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Chương VI TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 36. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở-ngành, ủy ban nhân dân quận/huyện, uỷ ban nhân dân phường/xã/thị trấn có liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện tốt Quy định này.
Điều 37. Các cơ quan thông tin đại chúng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
thành phố, Thành Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Phụ nữ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh cần có những việc làm hỗ trợ tích cực nhằm góp phần động viên nhân dân trong việc nâng cao ý thức cộng đồng, giữ gìn vệ sinh đô thị ; xác định việc giữ gìn vệ sinh là một trong các yếu tố để xem xét đánh giá kết quả hoạt động của khu phố và đơn vị theo định kỳ.
Điều 38. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh cần bổ sung, điều chỉnh, các đơn vị liên quan có ý kiến gởi về Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết./.
Thông tin liên hệ
CÔNG TY TNHH XD MÔI TRƯỜNG THÁI AN
Địa chỉ: 279 Vườn Lài, Phường An Phú Đông, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại:0945 667 887 – Fax: 08.37195068
MST: 0306787916
TK: 045704070016653 Ngân hàng HD Bank, CN Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh
Đại diện: (Ông) TRẦN QUỐC THỚI Chức vụ: Giám Đốc
Web: https://ChatThaiCongNghiep.org
Mail: XuLyChatThaiThaiAn@gmail.com
Địa chỉ: 279 Vườn Lài, Phường An Phú Đông, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại:0945 667 887 – Fax: 08.37195068
MST: 0306787916
TK: 045704070016653 Ngân hàng HD Bank, CN Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh
Đại diện: (Ông) TRẦN QUỐC THỚI Chức vụ: Giám Đốc
Web: https://ChatThaiCongNghiep.org
Mail: XuLyChatThaiThaiAn@gmail.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét